HTX Thành Tâm: Sức bật từ trồng tre lấy măng

  15/07/2020

HTX măng tre xã Thành Tâm được thành lập nhằm hỗ trợ thành viên trong hoạt động trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến măng tre. Dựa trên vùng nguyên liệu đã có sẵn, HTX đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chung của các thành viên về nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiệu quả kinh tế

HTX măng tre khi thành lập có 12 thành viên tham gia với vốn điều lệ 600 triệu đồng và 10 ha đất trồng tre. Các hộ thành viên trong HTX đang sản xuất giống măng tre Điền Trúc. Đây là loại cây trồng rất thích hợp trên đất cát pha ở địa phương, nên măng tre dễ trồng, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, không tốn nhiều công lao động nhưng lại cho năng suất cao, trung bình khoảng 20 tấn/ha.

Khi tham gia HTX, các thành viên được tư vấn kỹ thuật trồng măng cho năng suất cao, được hỗ trợ về giá khi mua phân bón. HTX còn giúp định hướng sản xuất các sản phẩm làm từ măng tre nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với bán măng tươi và hạn chế được tình trạng tư thương ép giá. Với giá bán dao động 10.000 - 20.000 đồng/kg măng tươi, mỗi hộ thành viên có thể thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ áp dụng kỹ thuật, HTX đã xử lý thành công việc cho tre ra măng trái vụ, nên giá bán cao hơn. Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn mọi người cách sản xuất măng sấy khô để mở rộng thị trường, nâng cao sức tiêu thụ. HTX trang bị 2 lò sấy măng nhỏ để công đoạn làm khô măng thuận tiện và không bị phụ thuộc vào thời tiết, nhất là khi mưa kéo dài.

 

HTX đã xử lý thành công việc cho tre ra măng trái vụ

Việc sử dụng lò sấy không làm ảnh hưởng đến chất lượng của măng, mà ngược lại. Măng khô được sấy trong lò còn có vị đặc trưng của mùi khói, tăng thêm hương vị đậm đà và giữ được màu vàng tươi của măng. Đây là hướng đi mới giúp sản phẩm măng tre Thành Tâm khẳng định được thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng măng.

Hiện tại, sản phẩm măng tre của HTX không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, mà còn được bán ra các địa phương khác, như Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tp.HCM...

Cải tạo vườn tạp

Nói về hiệu quả của mô hình trồng tre lấy măng, ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, cho biết măng Điền Trúc cho năng suất cao, hiệu quả hơn hẳn so với trồng cây ăn quả. Đặc biệt, giống tre này phù hợp với vùng đất bạc màu như Thành Tâm. Nhờ trồng giống tre này, kinh tế của các hộ gia đình tương đối ổn định.

Trước đây, diện tích đất của HTX chủ yếu là vườn tạp, đã được trồng thử nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả hoặc bị bỏ hoang vì đất đã bị bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng. Các hộ thành viên đã thực hiện chuyển đổi và cải tạo diện tích đất tạp sang trồng cây tre lấy măng…

Tre Điền Trúc là một trong những loại dễ trồng, măng tre ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân hóa học và được xem là thực phẩm sạch, an toàn nên nhiều người ưa chuộng.

Để tre cho măng được trắng, giòn và không bị các loại côn trùng chích, HTX đã thực hiện phương pháp thủ công như dùng bao bỏ trấu ung trộn với lá tre rụng sau đó bọc vào những mụt măng, nhờ vậy măng không bị sâu bệnh.

Trong điều kiện hiện nay, khi các loại cây công nghiệp chủ lực ở Bình Phước như cà-phê, hồ tiêu, điều, cao su… giá cả luôn bấp bênh, cần vốn đầu tư lớn thì mô hình trồng tre lấy măng mở ra một hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Bằng những hiệu quả và lợi ích mà cây tre lấy măng mang lại, mô hình trồng tre lấy măng tại HTX đã chứng minh đây là loại cây có thể phát triển tốt trên những diện tích đất xấu, đất hoang hóa, bạc màu, đất dốc.

Người dân có thể tận dụng mọi diện tích đất trống mà không bị ngập nước, nhiễm phèn để trồng, không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn giúp tạo nguồn thực phẩm thường xuyên.

Như Yến (Nguồn thoibaokinhdoanh.vn)

Comment